Cái máy nào dùng lâu cũng phải có lúc trục trặc. Nếu kính mắt phải lau tròng mới sạch thì thủy tinh thể, phần nằm sau đồng tử với vai trò của thấu kính, đến lúc nào đó cũng vẩn đục. Bệnh cườm mắt, vì thế còn có tên là đục thủy tinh thể, một hậu quả khó tránh khi tuổi đời chồng chất. Nhưng nếu nhìn mắt cườm như chuyện chỉ của người cao tuổi thì sai. Số người chưa quá 50 nhưng đục thủy tinh thể đã từ lâu vượt xa mức báo động!
Lý do là vì cườm mắt liên hệ mật thiết với nhiều căn bệnh, từ bội nhiễm dai dẳng bước qua bệnh nội tiết như tiểu đường; từ rối loạn điều tiết thị giác vì nghề nghiệp khiến mau mỏi mắt đến cuộc sống căng thẳng vì stress; từ việc lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, dược phẩm đến môi trường ô nhiễm hoặc sai lầm trong chế độ dinh dưỡng…
Đúng là có nhiều yếu tố gây bệnh nhưng không chỉ vì vậy mà số người bị cườm mắt tăng nhanh đến độ bệnh viện mắt nào cũng đông nghẹt và số cửa hàng kính thuốc hầu như có mặt trên mỗi con đường! Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy người dễ đục thủy tinh thể là đối tượng thiếu các loại sinh tố bảo vệ thị giác như C, E, A, khoáng tố kháng ôxy hóa như selen, kẽm, crôm, mangan, men kháng viêm như bromalin, papain, lipase…
Điểm đáng nói là tất cả các hoạt chất sinh học vừa kể thường thiếu hụt ở người bệnh tiểu đường. Bệnh sở dĩ nhanh chân là vì rối loạn biến dưỡng chất béo và chất đạm do đường huyết không ổn định, dẫn đến hậu quả hóa xơ ở thủy tinh thể. Chính vì thế mà người bệnh tiểu đường cần được khám mắt định kỳ mỗi 3 tháng cho dù không có triệu chứng mờ mắt, bụi bay trước mắt, đau nửa đầu, chóng mặt khi nhìn lâu…
Vấn đề không chỉ ở đôi mắt. Nếu thủy tinh thể hóa đục thì nhiều nơi khác của cơ thể cũng khó tránh không bị ảnh hưởng ít nhiều của tiến trình lão hóa trước tuổi. Xơ vữa mạch máu ở người còn trẻ với dấu hiệu cao huyết áp, viêm thận mãn… là thí dụ tiêu biểu. Do đó, người bệnh tiểu đường một khi phát hiện mắt cườm cần được tích cực rà soát các chức năng khác của hệ tuần hoàn và thần kinh thay vì chỉ giao hết cho thầy thuốc khoa mắt.
Đúng là khó chịu vô cùng khi nhìn không rõ và nhức đầu ghê gớm vì cườm mắt. Nhưng sẽ khó chịu hơn nhiều nếu bệnh tiểu đường núp bóng phía sau không được phát hiện và điều trị rốt ráo. Tuy thao tác mổ cườm ngày nay có độ an toàn rất cao nhưng để trị mắt cườm ở người bệnh tiểu đường còn tùy lượng đường trong máu. Vì vậy, người bệnh tiểu đường muốn giữ đôi mắt phải cần đến hai thầy thuốc nội khoa và nhãn khoa làm việc tay trong tay. Bệnh tiểu đường vì thế còn có tên là bệnh của nhà giàu. Và cũng vì thế mà tỉ lệ mù mắt do tiểu đường ở xứ mình vẫn còn rất cao!